Lịch sử làng nghề giày da Tam Lâm
Tam Lâm hay 3 làng Trắm là tên gọi chung 3 làng Phong Lâm, Văn Lâm và Trúc Lâm thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, nơi được biết đến với nghề làm giày dép da từ cách nay 5 – 6 thế kỷ.
Nguyên từ thế kỷ 16, ngành thuộc da của Việt Nam vẫn còn rất non kém, những sản phẩm làm ra không thể so với sản phẩm cùng loại mang về từ nước ngoài. Để có thể khắc phục tình trạng yếu kém này, triều đình nhà Mạc đã cử tiến sĩ trẻ Nguyễn Thời Trung đi sứ sang nhà Minh với sứ mạng cao cả là phải học cho được những kỹ năng và kinh nghiệm làm giày dép từ nước láng giềng. Ra đi với quyết tâm cao, Nguyễn Thời Trung cùng 3 người thợ giỏi của làng là Phạm Thuần Chánh, Phạm Đức Chính và Phạm Sĩ Bân đã nỗ lực học hỏi và tích cóp được những kiến thức qúy báu trong lãnh vực thuộc da cũng như chế biến các sản phẩm từ da. Trở về quê hương, các ông đã phổ biến kinh nghiệm làm giày, dép da đến dân chúng, nhất là dân làng Tam Lâm.
Sau này một số dân làng Tam Lâm có điều kiện ra Thăng Long sinh sống, họ đã đem theo nghề của làng và sớm thành danh tại kinh đô. Trong giai đoạn đầu, những người thợ Tam Lâm sống tập trung hình thành phường Hải Tượng thuộc tống Hữu Túc, huyện Thọ Xương, rồi phát triển dần sang đất Tả Khanh, lập nên phố Hàng Da tồn tại đến ngày nay. Nơi đây những cửa hiệu tên tuổi như Đức Mậu, Vĩnh Thái, Tú Liêu… đều có chủ hiệu hay chuyên gia kỹ thuật chính là người Tam Lâm. Không quên người đã có công thăng tiến và truyền nghề đến dân làng, những người con gốc Tam Lâm đã dựng đền vọng thờ Nguyễn Thời Trung như tổ nghề tại 40 phố Hàng Hành.
Trong những thế kỷ trước, do điều kiện kinh tế và xã hội phát triển không đồng bộ, nhu cầu các mặt hàng da tập trung ở các thành phố lớn nên người thợ Tam Lâm đã phải bươn chải khắp từ Nam chí Bắc. Tuy nhiên, từ trong thâm tâm, những người con Tam Lâm vẫn thầm mong có ngày nghề giày da được vinh danh trên chính quê hương mình. Niềm mong mỏi tha thiết ấy nay đã thành hiện thực khi ngày càng có nhiều xí nghiệp giày da hiện đại được xây dựng trên mãnh đất Hải Dương.
Nếu ngày nay việc xuất khẩu giày da và các mặt hàng bằng da đã là một trong nhiều mũi nhọn chủ lực của đất nước, thì người dân Tam Lâm nói chung và người thợ giày Tam Lâm nói riêng có quyền tự hào đã góp phần tích cực vào sự thành đạt của ngành giày da Việt Nam, đem lại uy tín nhất định cho sản phẩm Việt Nam khi tham gia vào thị trường thế giới…